Điều chỉnh hóa đơn điện tử – Cập nhật mới từ 01/6/2025 theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP
Tháng năm 9, 2025 | Doanh nghiệpTừ ngày 01/6/2025, các quy định mới về điều chỉnh hóa đơn điện tử chính thức có hiệu lực theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Công văn số 348/CT-CS ngày 28/3/2025 của Tổng cục Thuế đã tóm lược các thay đổi đáng chú ý mà doanh nghiệp cần quan tâm để đảm bảo tuân thủ đúng quy định trong quá trình phát hành và xử lý hóa đơn. Cùng BEE PRO điểm qua các nội dung cập nhật quan trọng qua bài viết dưới đây!

Xem thêm:
- BHXH điện tử là gì? Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp thời chuyển đổi số
- Một số điểm mới trong Thông tư 05/2024/TT-BYT bạn cần lưu ý
- Điểm mới quan trọng của Nghị định 68/2025/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính
Một số điểm mới điều chỉnh hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP
Nghị định 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 01/6/2025. Mang đến nhiều điều chỉnh hóa đơn điện tử quan trọng. Những thay đổi này nhằm tăng cường tính minh bạch, thống nhất và phù hợp hơn với thực tiễn triển khai. Dưới đây là một số điểm mới doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Bỏ quy định hủy hóa đơn điện tử đã lập sai
Trước đây, theo khoản 1 Điều 19 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, nếu phát hiện sai sót trên hóa đơn điện tử đã được cấp mã và chưa gửi cho người mua, người bán sẽ tiến hành hủy hóa đơn sai và lập hóa đơn mới.
Tuy nhiên, quy định này đã chính thức bị bãi bỏ trong Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Điều này đồng nghĩa với việc không còn cơ chế hủy hóa đơn sai trước khi gửi mà thay vào đó là thực hiện điều chỉnh hoặc thay thế.
Việc bỏ quy định hủy hóa đơn được xem là một bước đi quan trọng nhằm chuẩn hóa và minh bạch hóa quy trình xử lý sai sót, tránh tình trạng lạm dụng việc hủy hóa đơn để điều chỉnh thông tin chưa minh bạch.
Phải có văn bản thỏa thuận với người mua trước khi điều chỉnh hóa đơn
Một trong những điểm mới quan trọng tròng điều chỉnh hóa đơn điện tử là quy định tại khoản 1 Điều 19 sửa đổi: việc điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử sai sót bắt buộc phải có sự thỏa thuận giữa hai bên. Cụ thể:
- Nếu người mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh, thì phải có văn bản thỏa thuận giữa người bán và người mua, ghi rõ nội dung sai sót cần điều chỉnh.
- Nếu người mua là cá nhân tiêu dùng, thì người bán phải thông báo trực tiếp cho người mua hoặc thông báo công khai trên website chính thức.
Điểm mới này góp phần nâng cao trách nhiệm và sự đồng thuận giữa các bên trong hoạt động xuất hóa đơn, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp phát sinh về sau.
Được lập một hóa đơn thay thế hoặc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn sai
Trước đây, mỗi hóa đơn sai chỉ được điều chỉnh bằng một hóa đơn riêng lẻ. Tuy nhiên, Nghị định 70 đã cho phép lập một hóa đơn thay thế hoặc điều chỉnh chung cho nhiều hóa đơn sai trong cùng tháng và với cùng một người mua.
Kèm theo đó, mẫu bảng kê số 01/BK-ĐCTT đã được ban hành để liệt kê rõ các hóa đơn sai cần được điều chỉnh/ thay thế. Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan thuế phát hiện hóa đơn có sai sót, sẽ có thông báo gửi cho người bán để rà soát, kiểm tra lại thông tin và thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định.
Việc này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi cần xử lý tập trung các sai sót theo lô, thay vì thao tác thủ công cho từng hóa đơn.

Cơ quan thuế phát hiện sai sót sẽ gửi thông báo cho người bán
Trường hợp cơ quan thuế phát hiện sai sót trong hóa đơn (có hoặc không có mã), người bán có trách nhiệm rà soát và thực hiện điều chỉnh, thay thế theo thông báo của cơ quan thuế.
Bỏ quy định cơ quan thuế phải phản hồi trong 01 ngày làm việc
Theo quy định mới, trách nhiệm rà soát, kiểm tra thuộc về người nộp thuế, không còn yêu cầu cơ quan thuế phải phản hồi về việc tiếp nhận và xử lý hóa đơn trong vòng 01 ngày làm việc như trước đây.
Những thay đổi này không chỉ giúp chuẩn hóa quy trình quản lý hóa đơn mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kê khai, hạch toán. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, áp dụng đúng quy định để tránh sai sót và rủi ro pháp lý.
Bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp điều chỉnh hóa đơn điện tử
Nghị định 70 bổ sung nhiều tình huống thực tiễn trong hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi cần điều chỉnh hóa đơn điện tử, bao gồm:
Chênh lệch giá trị sau quyết toán hoặc thanh toán thực tế
Nếu hóa đơn ban đầu không sai, nhưng sau khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra lại có sự thay đổi về số lượng, đơn giá,… thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh tăng (+) hoặc giảm (-) theo kết quả thực tế.
Chiết khấu thương mại theo doanh số, sản lượng
Hóa đơn điều chỉnh có thể lập riêng kèm theo bảng kê hoặc gộp vào lần mua cuối cùng/kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, số tiền chiết khấu không được vượt quá giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn.
Trả lại hàng hóa
Người bán lập hóa đơn điều chỉnh trong trường hợp hàng hóa bị trả lại. Nếu có thỏa thuận trước, người mua cũng có thể lập hóa đơn trả lại cho người bán. Trường hợp hàng hóa là tài sản đăng ký sở hữu, người mua có nghĩa vụ lập hóa đơn trả lại.
Ngành bảo hiểm
Khi hoàn hoặc giảm phí, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lập hóa đơn điều chỉnh dựa trên biên bản hoặc văn bản thỏa thuận có ghi rõ lý do, số tiền và nội dung điều chỉnh.
Lĩnh vực bất động sản, xây dựng
Khi đã lập hóa đơn thu tiền trước, nhưng sau đó hủy hoặc thay đổi hợp đồng thì cũng cần lập hóa đơn điều chỉnh tương ứng.
Tổ chức tín dụng và thanh toán thẻ
Khi có hoàn phí dịch vụ, lập hóa đơn điều chỉnh mà không cần ghi rõ thông tin hóa đơn gốc.
Dịch vụ viễn thông
Đối với hình thức thanh toán qua thẻ trả trước, hóa đơn điều chỉnh có thể căn cứ vào dữ liệu bảng kê hoặc biên bản với đối tác để xử lý.
Việc cụ thể hóa các tình huống giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng đúng quy định trong các trường hợp phát sinh đặc thù.
Bổ sung quy định về kỳ kê khai hóa đơn điều chỉnh, thay thế

Quy định mới đã phân định rõ kỳ kê khai đối với hóa đơn điều chỉnh và hóa đơn thay thế, tùy theo bản chất sai sót và thời điểm phát sinh:
Nếu hóa đơn sai về mã số thuế, giá trị, thuế suất, quy cách chất lượng hàng hóa,… thì người bán, người mua phải kê khai bổ sung vào kỳ phát sinh hóa đơn sai ban đầu.
Nếu điều chỉnh theo các trường hợp được liệt kê tại khoản 4 Điều 19 mới, thì:
- Người bán kê khai vào kỳ phát sinh hóa đơn điều chỉnh.
- Người mua kê khai vào kỳ nhận được hóa đơn điều chỉnh.
Việc quy định rõ ràng như trên giúp thống nhất cách xử lý và đảm bảo việc kê khai thuế diễn ra đúng kỳ, đúng nghĩa vụ pháp lý.
Kết luận
Những cập nhật quan trọng về điều chỉnh hóa đơn điện tử từ ngày 01/6/2025 là bước tiến trong nỗ lực cải cách thủ tục thuế và hóa đơn của cơ quan quản lý. Điều này hướng tới sự minh bạch, đơn giản hóa và thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Nếu bạn còn thắc mắc nào hãy liên hệ với BEE PRO để được hỗ trợ nhé!
BEE PRO
Cảm ơn bạn đã xem bài viết này. Cập nhật các bài viết từ BEE PRO để biết thêm thông tin mới nhất về kế toán, thuế và các quy định chính sách cập nhật.
BEE PRO – Đồng hành tận tâm!