Chính thức miễn thuế TNDN 3 năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 17/5/2025
Tháng năm 23, 2025 | Doanh nghiệpChính thức từ ngày 17/5/2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn thuế TNDN (thu nhập doanh nghiệp) trong 3 năm đầu theo Nghị quyết 198/2024/QH15. Đây là một chính sách ưu đãi thuế mang tính bước ngoặc cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tái đầu tư và bứt phá trong giai đoạn khởi đầu. Cùng BEE PRO tìm hiểu chi tiết về điều kiện, lợi ích và lưu ý quan trọng trong bài viết dưới đây!

Xem thêm:
- Doanh nghiệp nộp thừa thuế TNDN có được bù trừ không và nên xử lý ra sao?
- Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Doanh nghiệp cần lưu ý gì để không vi phạm?
- Thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho ai và được tính dựa trên những căn cứ nào?
Chính sách miễn thuế TNDN mới: Bước đột phá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 17/5/2025, Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết 198/2025/QH15, một văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Một trong những điểm nổi bật nhất là quy định miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu cho DNNVV.
Chính sách này không chỉ là tín hiệu tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn là động lực mạnh mẽ để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp chính thức. Từ đó góp phần mở rộng quy mô và gia tăng tính minh bạch trong nền kinh tế.
Nội dung chính sách miễn thuế TNDN theo Nghị quyết 198/2025/QH15
Nghị quyết 198/2025/QH15 là cơ sở pháp lý cho nhiều chính sách ưu đãi mới, trong đó có khoản 4, Điều 10 quy định rõ: “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.
Điều này có nghĩa, các DNNVV thành lập mới từ sau ngày 17/5/2025 sẽ không phải nộp thuế TNDN trong ba năm đầu hoạt động, giúp họ có thêm nguồn lực để đầu tư cho sản xuất, vận hành, mở rộng thị trường. Ngoài ra, chính sách còn có các hỗ trợ khác liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài, và chi phí đào tạo, cụ thể:
- Miễn thuế TNDN và thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm sau khi hết thời hạn miễn đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
- Miễn lệ phí môn bài cho doanh nghiệp từ ngày 1/1/2026.
- Miễn phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính khi tổ chức lại bộ máy nhà nước.
Với loạt ưu đãi trên, có thể thấy Nghị quyết 198 đã tạo ra một hệ sinh thái pháp lý thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các DNNVV.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng nào?
Một câu hỏi quan trọng đặt ra là: Doanh nghiệp như thế nào được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa để được miễn thuế TNDN?
Câu trả lời được tìm thấy trong Điều 5, Nghị định 80/2021/NĐ-CP, quy định rõ ràng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp dựa vào lĩnh vực hoạt động, quy mô lao động và doanh thu/năng lực tài chính. Cụ thể:
Doanh nghiệp siêu nhỏ
- Lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng: Lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; doanh thu hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng/năm.
- Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Lao động như trên; doanh thu không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ
- Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng: Tối đa 100 lao động; doanh thu không quá 50 tỷ đồng hoặc nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng.
- Thương mại, dịch vụ: Tối đa 50 lao động; doanh thu không quá 100 tỷ đồng hoặc nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vừa
- Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng: Tối đa 200 lao động; doanh thu không quá 200 tỷ đồng hoặc nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
- Thương mại, dịch vụ: Tối đa 100 lao động; doanh thu không quá 300 tỷ đồng hoặc nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
Để được hưởng ưu đãi miễn thuế TNDN, doanh nghiệp phải thuộc nhóm nhỏ hoặc vừa theo các tiêu chí nói trên và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu sau ngày 17/5/2025.
Lợi ích của chính sách miễn thuế TNDN đối với doanh nghiệp
Việc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho DNNVV:
- Tăng dòng tiền và khả năng đầu tư. Do không phải nộp thuế TNDN, doanh nghiệp có thể giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư vào máy móc, công nghệ, sản phẩm, nhân sự,…
- Tạo điều kiện khởi nghiệp an toàn hơn. Giai đoạn khởi nghiệp luôn là giai đoạn “đốt tiền”. Với chính sách này, doanh nghiệp có thể dành nguồn lực xử lý các rủi ro tài chính hoặc tập trung vào chiến lược dài hạn thay vì lo lắng về nghĩa vụ thuế.
- Thúc đẩy chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi vì phải chịu mức thuế cao hơn. Nay, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là “bước đệm” khuyến khích chuyển đổi mạnh mẽ hơn.
- Góp phần vào việc chính thức hóa nền kinh tế. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký chính thức sẽ giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn về thuế, lao động, an sinh và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hồ sơ và thủ tục gì?
Đối với các hộ kinh doanh muốn được hưởng chính sách ưu đãi thuế nêu trên, việc chuyển đổi sang doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc. Theo Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ chuyển đổi phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mong muốn thành lập:
Chuyển sang doanh nghiệp tư nhân
- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân là chủ doanh nghiệp
Chuyển sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên (TNHH) hoặc cổ đông sáng lập (cổ phần)
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân và tổ chức có liên quan
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đại diện theo pháp luật
Việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, tránh các thủ tục hành chính phức tạp không cần thiết.
Lưu ý khi áp dụng chính sách miễn thuế TNDN
Mặc dù chính sách miễn thuế TNDN mang lại nhiều lợi ích, doanh nghiệp vẫn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là yếu tố xác định thời điểm bắt đầu hưởng ưu đãi.
- Sau thời gian miễn 3 năm, doanh nghiệp sẽ phải kê khai và nộp thuế bình thường theo quy định hiện hành.
- Chính sách không áp dụng cho các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 17/5/2025 hoặc doanh nghiệp lớn.
- Cần có hệ thống sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ đầy đủ để chứng minh thu nhập và được kiểm toán nếu cần.
Do đó, doanh nghiệp nên tư vấn kỹ với kế toán trưởng hoặc đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp để đảm bảo tuân thủ đúng quy định, tránh rủi ro pháp lý trong tương lai. Bạn cũng có thể liên hệ BEE PRO để được hỗ trợ đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp doanh nghiệp yên tâm áp dụng chính sách miễn thuế hiệu quả, không lo sai sót.
Kết luận
Chính sách miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu theo Nghị quyết 198/2024/QH15 là bước hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm gánh nặng tài chính, tạo nền tảng ổn định cho giai đoạn khởi đầu. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt để tận dụng hiệu quả chính sách này.
BEE PRO
Cảm ơn bạn đã xem bài viết này. Cập nhật các bài viết từ BEE PRO để biết thêm thông tin mới nhất về kế toán, thuế và các quy định chính sách cập nhật.
BEE PRO – Đồng hành tận tâm!